CHỌN ĐỒ CHƠI/ GIÁO CỤ TRÊN KỆ MONTESSORI THEO ĐỘ TUỔI CỦA TRẺ
- Người viết: Góc Montessori lúc
- Blog - Lời khuyên, Mẹo vặt & Kinh nghiệm
- - 0 Bình luận
Chúng ta đều biết tầm quan trọng của một môi trường trật tự và yên tĩnh đối với các bé. Và việc sử dụng Kệ Montessori như một hộp đồ chơi là sự bắt đầu tuyệt vời để thiết lập môi trường như vậy cho con. Đồ chơi của con sẽ được giữ ngăn nắp và con dễ tiếp cận, đồng thời tránh việc đồ bị mất, hoặc đồ nằm dưới đáy hộp bị đè mà hư vỡ. Trên thị trường có rất nhiều đồ chơi và lựa chọn khác nhau, thật khó để nhận biết loại nào phù hợp với con.
Có một vài hướng dẫn cơ bản để cha mẹ chú ý, đó là, trong Montessori, chúng ta cố gắng sử dụng đồ chơi và giáo cụ được làm từ vật liệu thiên nhiên - thân thiện với môi trường, đồng thời tuổi thọ cũng lâu hơn nữa. Bên cạnh đó, khi trẻ dưới 5 hoặc 6 tuổi thì bé học tập dựa vào trải nghiệm thực tế, vậy nên đồ vật cần mô phỏng càng giống vật thật càng tốt. Ví dụ, đối với đồ chơi như động vật hoặc xe cộ, chúng ta nên tránh sử dụng các mẫu mô phỏng bằng gỗ đơn giản. Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là, chúng ta cần nhớ rằng một món đồ chơi mà “làm” càng nhiều bao nhiêu thì đứa trẻ sẽ suy nghĩ và thao tác càng ít bấy nhiêu. Vậy nên với đồ chơi mà con chỉ cần ngồi và nhấn nút thì mức độ thử thách ít hơn rất nhiều so với một trò chơi mà con có thể quyết định và sáng tạo cách chơi.
Giờ thì bạn đã có hình dung cơ bản về loại đồ chơi nào muốn chọn cho con, tuy nhiên, hãy cùng xem một số gợi ý cụ thể về đồ chơi/ giáo cụ tương ứng với các độ tuổi phát triển khác nhau của trẻ nhé. Tất cả những đồ chơi này có thể được đặt trực tiếp trên kệ Montessori hoặc để vào trong một cái rổ thành thấp trên kệ; và có rất nhiều món đồ được tận dụng từ những thứ có sẵn tại nhà nhé!
Trẻ sơ sinh 0 - 9 tháng
- Lục lạc - các loại lục lạc bằng gỗ hoặc vải dệt để bé có thể cầm nắm và khám phá.
- Các món đồ chơi khuyến khích bé với lên và nắm.
- Các bộ chuyển động kích thích thị giác - ví dụ như munari (bộ hình khối 2D trắng đen), octahedron (bộ chuyển động hình đa diện bát giác 3D có màu), gobbi (bộ các quả cầu được bọc bằng chỉ thêu/ len) và các vũ công (hình màu 2D vũ công nhảy múa). Cha mẹ có thể treo các bộ kích thích thị giác này lên thanh trên cùng của Thang tam giác vận động Pikler nếu như ở nhà không có kệ chữ A (baby gym). Bạn có thể tìm đọc thêm bài viết của Góc Montessori để biết Các cách sử dụng khác nhau của Thang tam giác vận động Pikler tại đây.
- Các thẻ hình ảnh có độ tương phản cao dành cho trẻ sơ sinh; giai đoạn sau đó sẽ sử dụng các thẻ hình ảnh thực tế để phát triển vốn từ vựng.
- Các chai lọ khám phá âm thanh hoặc mùi thơm - bạn có thể đặt chúng vào trong một cái rổ thành thấp trên kệ. Hãy quan sát xung quanh nhà xem mình có thể lấy gì đựng vào lọ mà con có thể tương tác một cách tự nhiên. Chẳng hạn như cho cà phê hoặc quế vào các lọ mùi thơm, con sẽ nhận diện được khi bạn uống cà phê mỗi sáng lúc chơi với con, hoặc trộn quế vào bữa sáng của bé.
Rổ khám phá - đặt một nhóm các đồ vật vào trong một cái rổ để con khám phá và tìm hiểu. Đây là một cách tuyệt vời cho con tiếp xúc với các kết cấu/ chất liệu, màu sắc, và hình dạng khác nhau. Bạn có thể sắp xếp chúng theo chủ đề, hoặc ngẫu nhiên cũng được. Ví dụ, bạn có thể đặt quả thông, lá và cành cây chung với nhau. Hoặc, đặt vào rổ những vật ngẫu nhiên như khăn quàng cổ, đá, vỏ sò, và những vật khác bạn thấy trong nhà.
Bé 9 - 15 tháng
- Tiếp tục sử dụng thẻ ngôn ngữ - hình ảnh thực tế để tiếp tục phát triển ngôn ngữ ở trẻ.
- Bộ ghép hình đồ chơi có núm - một hình khối.
- Hoạt động chuyền đồ vật với các vật có kích thước lớn như quả óc chó để khuyến khích bé sử dụng lòng bàn tay cầm nắm (Tránh bất kỳ vật thể nào có thể làm bé bị nghẹt thở).
- Các hũ/lọ mở và đóng nắp - chuẩn bị các hũ/ lọ có nắp dễ tháo để con khám phá cách đóng và mở nắp, cũng như cách nhận diện và kết hợp hũ với nắp cùng bộ. Vậy nên hãy bắt đầu giữ lại những hũ/ lọ thức ăn rỗng đi nhé!
- Giáo cụ đưa vật qua lỗ - bạn có thể dễ dàng chuẩn bị những hoạt động này bằng cách đưa cho con những cái chai rỗng hoặc hộp chứa có thành cao, và que kem hoặc ống hút để nhét vào bên trong. Thêm một gợi ý khác, cha mẹ có thể lấy một cái rổ và cho con nhét ống hút (hoặc các ống tương tự đã được làm sạch) qua các lỗ của rổ.
- Hoạt động xếp chồng đồ vật - sử dụng các khối đặc, ly, hoặc hộp lưu trữ.
Trẻ bước vào giai đoạn đi chập chững 15 - 24 tháng
- Bộ tháp xếp vòng - đặt các vòng từ lớn đến nhỏ. Nếu con dễ dàng hoàn thành xếp vòng với tháp dọc thì bạn có thể thử thách con với tháp vòng ngang.
- Bộ ghép hình đồ chơi có núm - nhiều hình khối. Ví dụ trong bộ giáo cụ có ba hình dạng, hoặc là một hình dạng nhưng có 3 kích thước khác nhau, hay là những hình ảnh thân thuộc như động vật và xe cộ.
- Hoạt động chuyền đồ bằng kẹp gắp hoặc muỗng. Lưu ý, nếu con bạn có xu hướng đưa đồ vật vào miệng, hãy thử đưa con một bát bột yến mạch (chưa nấu) hoặc hồ tiêu để bé dùng muỗng xúc lên và chuyền từ tô này sang tô khác. Với các vật như quả óc chó hoặc các khối gỗ nhỏ, bé có thể luyện tập thao tác chuyền đồ bằng kẹp gắp.
- Băng gai dính, khóa đai và dây kéo - Hãy tìm xung quanh nhà xem có ví hay túi đựng đồ cũ nào không, sau đó đặt chúng lên trên kệ để con có thể thao tác mở và đóng khóa. Tránh sử dụng bảng bận rộn (busy board) vì ở gian đoạn này trẻ cần tập trung vào một kỹ năng một lần, đồng thời bé mất đi cơ hội thực hành tình huống cuộc sống thực tế.
- Phân loại màu sắc - hãy sáng tạo và hướng theo sở thích của con để tìm đồ vật phân loại màu. Bắt đầu với ba màu cơ bản, một khi con thành thạo thì chuyển sang màu thứ cấp. Bạn có thể sơn màu đỏ, vàng và xanh dương lên ly giấy và các que kem để con phân loại màu (cắm que kem vào đúng ly giấy có cùng màu sắc).
- Các bộ giáo cụ ghép cặp như ghép động vật với thẻ hình tương ứng.
Trẻ chập chững 24 - 36 tháng
- Các thẻ số - bạn có thể dễ dàng in và cán bóng các thẻ học số để con thực hành nhận biết và học cách đọc; hoặc tự làm các số bằng giấy nhám.
- Thẻ chữ bằng giấy nhám - cái này bạn cũng có thể tự làm tại nhà với vật liệu dễ tìm. Bé sẽ rất thích thú với chất liệu, và bạn có thể chỉ con theo đúng hướng.
- Hoạt động rót bằng bình nhỏ - rót nước hoặc hạt đậu sống. Một nguyên tắc chung là chỉ chuẩn bị cho con lượng nước/ hạt đậu vừa đủ, tùy theo khả năng dọn dẹp của cha mẹ (vì chắc chắn bé sẽ đổ tràn ra ngoài ở giai đoạn đầu). Hãy nhớ luôn chuẩn bị một miếng xốp bọt biển hoặc mảnh vải nhỏ kèm theo hoạt động rót nước, rót hạt để có thể dọn dẹp nhanh chóng.
- Hoạt động xâu chuỗi sử dụng một “cây kim” bằng thanh gỗ dài và dày, các khối gỗ đặc. Bạn cũng có thể tự làm bằng cách sử dụng một cành cây và sợi dây để xâu lá cây lại.
- Các nút bấm và cúc áo - thêm một cơ hội thực hành thực tế nữa cho con, ví dụ cha mẹ chuẩn bị áo sơ mi để con thao tác kỹ năng bấm hoặc cài cúc. Nên bắt đầu với các nút lớn và được may lỏng lẻo thôi.
- Lau chùi cây trồng/ nhà cửa - gồm có một bình xịt nhỏ và miếng xốp bọt biển, mảnh vải để con có thể lau lá cây trong nhà hoặc các bề mặt khác.
- Nghệ thuật và Thủ công - bạn có thể sắp xếp để ở một vị trí cố định trong nhà hoặc trưng bày quay vòng trên Kệ Montessori. Bắt đầu với bút chì và bút màu, phải nhớ tránh bút đánh dấu.
Như thường lệ với phương pháp Montessori, hãy nhớ quan sát và tùy theo khả năng tiếp cận cũng như sở thích của con mà chọn đồ chơi hoặc giáo cụ phù hợp để đặt trên kệ. Nếu con liên tục lấy thắt lưng của bạn và cố gắng đóng mở, hãy đặt một hoặc hai cái vào rổ trên kệ của con. Mặc dù có rất nhiều đồ chơi và giáo cụ Montessori bằng gỗ được bày bán trên thị trường, nhưng bạn hoàn toàn có thể tìm được cách giúp con chơi và thực tập các kỹ năng này bằng cách tận dụng những vật xung quanh nhà, hoặc tự làm bằng những vật liệu dễ tìm. Mục tiêu của chúng ta không phải là tái hiện lại một lớp học Montessori, mà là tạo ra một không gian học tập cá nhân hóa cho con thoải mái và khám phá một cách độc lập.
Góc Montessori hy vọng bài viết hữu ích với bạn. Để biết thêm ý tưởng Montessori DYI cho kệ, hãy chờ đón bài viết sắp tới của chúng tôi nhé.
Được viết bởi,
Góc Montessori
>> Sản phẩm được nhắc đến trong bài: Kệ Montessori & Thang tam giác vận động Pikler
Viết bình luận
Bình luận