MÔI TRƯỜNG ĐƯỢC CHUẨN BỊ - AN TOÀN TẠI NHÀ CHO TRẺ
- Người viết: Góc Montessori lúc
- Blog - Lời khuyên, Mẹo vặt & Kinh nghiệm
- - 0 Bình luận
Trong Montessori, chúng ta thường nói đến môi trường được chuẩn bị (prepared environment). Ở nhà, điều này còn hơn cả việc có một không gian yên tĩnh và đầy cảm hứng với một cái kệ được sắp xếp gọn gàng và ngăn nắp. Trong ngôi nhà của mình, chúng ta mong muốn con tự do khám phá thế giới xung quanh mà không bị cấm cản. Để biến ý tưởng này thành hiện thực, bạn bắt buộc phải có một môi trường an toàn để bé khám phá.
Theo UNICEF, hầu hết các vụ tai nạn trẻ em đều xảy ra ở nhà, và trẻ em dưới năm tuổi có nguy cơ mắc phải. Các thương tích phổ biến nhất là đứt tay, nhiễm độc, ngạt thở, điện giật, té ngã, đuối nước và bỏng, nhiều trường hợp bị thương rất nghiêm trọng và/ hoặc thương tật vĩnh viễn. Các tai nạn này phần lớn có thể ngăn ngừa được và có các giải pháp tương ứng.
Dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn cách biến ngôi nhà của mình trở nên an toàn hơn cho những nhà thám hiểm tí hon. Điều này sẽ giúp hoạt động khám phá của con được độc lập và an toàn, cho phép bạn lui ra sau nhiều hơn và nói 'không' với con ít hơn.
Cả căn nhà & toàn bộ các phòng:
- Che lỗ ổ cắm điện! Đặc biệt là ở Việt Nam, hầu hết các hộ gia đình không có hệ thống điện tiếp địa (grounded electricity) nên sẽ nguy hiểm hơn nữa.
- Giấu các dây dẫn tránh treo lủng lẳng, tránh cho con bị vướng vào hoặc các con sẽ kéo các thiết bị điện tử rớt xuống.
- Cố định đồ nội thất vào tường để tránh vật nặng/ đồ vật ngã trúng con.
- Không đặt các vật nặng lên trên đồ nội thất có thể nghiêng hoặc bị kéo đổ (loa, thiết bị). Ngoài ra, hãy lưu ý tới độ cao thấp của phần rìa khăn trải bàn - nếu trẻ có thể với tới và kéo khăn trải bàn thì con cũng có thể kéo đồ vật nguy hiểm xuống sàn.
- Đảm bảo các hộc kéo/ tủ kệ dưới thấp chỉ chứa những đồ vật an toàn với trẻ em (cả bên trên và bên trong) - hoặc là phải được khóa lại.
- Cửa sổ cần được khóa/ có rào chắn và lưu ý vị trí sắp đặt đồ đạc để ngăn trẻ leo trèo qua cửa sổ.
- Không bao giờ để trẻ sơ sinh không có người trông nom trên đồ nội thất cao như bàn, sofa, bàn, giường (con có thể cục cựa, lật, hoặc lăn rất nguy hiểm).
- Di chuyển đồ đạc có góc sắc nhọn khỏi khu vực trẻ thường xuyên khám phá, hoặc là dán bọc góc toàn bộ.
- Quấn dây kéo của rèm cửa lên móc cao trên tường để tránh trẻ vướng vào có thể dẫn đến siết cổ.
- Cố định TV vào tường để ngăn TV bị rơi vào người con, và khi TV ở trên cao thì cũng dễ dàng giấu dây cắm hơn.
Trong nhà bếp:
- Để dao kéo xa tầm tay trẻ - điều này bao gồm cả việc phải sắp xếp lại các ngăn kéo và tủ kệ của bạn. Nếu bạn đã chuẩn bị cho con một cái Tháp học tập (Learning tower) thì hãy lưu ý xem những vật dụng nào trên mặt bếp con có thể tiếp cận.
Sắp xếp lại tủ kệ nếu cần để những đồ vật an toàn với trẻ em ở các ngăn/ hộc kéo bên dưới, các hộp chứa bằng nhựa, dụng cụ muỗng/ cốc đong rất tốt cho con khám phá và học tập, di chuyển những vật không an toàn hoặc có thể vỡ lên vị trí cao hơn xa tầm tay trẻ.
Đảm bảo các chất/ dung dịch tẩy rửa xa tầm tay trẻ em, hoặc chắc chắn rằng tất cả các nắp đều được vặn chặt và có khóa an toàn trẻ em (child-safe locks).
- Cột các túi nhựa thành nút thắt và giữ chúng xa tầm tay trẻ - không bao giờ để con chơi với một cái túi nhựa mở để tránh bị ngẹt thở.
Trong nhà tắm:
- Đậy nắp bồn cầu xuống để tránh đuối nước - Bé sơ sinh và trẻ nhỏ có phần đầu nặng hơn có thể dễ dàng bị ngã vào.
- Luôn luôn để các xô/ thùng nước trống không - không bao giờ để nước trong xô/ thùng vì trẻ có thể bị đuối chỉ với một ít nước.
- Đảm bảo các chất/ dung dịch tẩy rửa xa tầm tay trẻ em, hoặc chắc chắn rằng tất cả các nắp đều được vặn chặt và có khóa an toàn trẻ em (child-safe locks).
- Cất thuốc lên cao trong một cái tủ bé không với tới được, sử dụng khóa an toàn trẻ em và chai lọ có nắp an toàn trẻ em.
- Không bao giờ để trẻ dưới năm tuổi trong nhà tắm mà không có người chăm nom, và luôn giám sát chặt chẽ khi con ở trong bồn tắm.
Trong phòng ngủ:
- Nếu bé có giường cũi/ nôi, hãy đảm bảo trong phòng của bé: các lỗ cắm điện được che lại, không có dây điện/ dây dẫn lộ ra ngoài, tất cả đồ đạc đều an toàn và được cố định chặt vào tường, cửa sổ được khóa hoặc có rào chắn, không có đồ đạc con bám vào để trèo ra cửa sổ.
- Cất gối, chăn mền, và thú nhồi bông ra khỏi nôi hoặc giường khi trẻ ngủ để tránh bị ngạt thở.
Phía bên ngoài và trên ban công:
- Nếu bạn có hồ bơi, hãy đảm bảo có hàng rào và cổng có khóa, và không bao giờ để con hoạt động xung quanh hồ bơi mà không có người giám sát.
- Khóa cửa dẫn ra ban công, lắp các thanh an toàn trên ban công nếu có thể.
- Không để đồ đạc gần lan can ban công để trẻ trèo lên.
- Không bao giờ để trẻ trên ban công mà không có người trông coi.
- Đảm bảo các thanh chắn trên ban công đủ hẹp để đầu bé không thể lọt qua.
Góc Montessori hy vọng danh sách này giúp bạn tạo ra một môi trường an toàn hơn cho con. Ngoài ra, hãy chắc chắn là bạn biết các số điện thoại cần thiết trong trường hợp khẩn cấp, và dán ở nơi dễ thấy với địa chỉ và số điện thoại của bạn được viết ngay bên dưới (khi gọi xe cấp cứu, đôi khi mọi người quá rối và bấn loạn để nhớ được thông tin cơ bản của mình). Chúng ta chuẩn bị càng kỹ càng thì hoạt động khám phá của con càng an toàn và độc lập. Hy vọng bạn thấy bài viết này hữu ích và nhiều thông tin.
Được viết bởi,
Góc Montessori
Viết bình luận
Bình luận