MONTESSORI TẠI NHÀ: CÁC BƯỚC ĐẦU TIÊN ĐỂ SẮP XẾP KHÔNG GIAN GIA ĐÌNH

MONTESSORI TẠI NHÀ: CÁC BƯỚC ĐẦU TIÊN ĐỂ SẮP XẾP KHÔNG GIAN GIA ĐÌNH

Sau khi cân nhắc, bạn quyết định sẽ áp dụng phương pháp Montessori để dạy con và muốn biến ngôi nhà của mình thành một “môi trường Montessori”. Vậy thì nên bắt đầu từ đâu? Hãy xem việc áp dụng Montessori cụ thể như thế nào, và nên bắt đầu hành trình này như thế nào nhé.

Điều đầu tiên và quan trọng nhất, hãy nhớ rằng phương pháp Montessori không liên quan nhiều đến giáo cụ/ đồ chơi nào có trên kệ, mà tập trung chính vào bản thân đứa trẻ. Chúng ta muốn cho con không gian để phát triển độc lập nhất có thể; nghĩa là biến ngôi nhà thành một vùng đất mới cho các nhà thám hiểm tí hon khám phá - nói một cách đơn giản là mọi thứ trong ngôi nhà cần điều chỉnh để dễ tiếp cận ở tầm thấp, phù hợp với bàn tay và bàn chân nhỏ của con.

Khi nghĩ tới việc để con “tự do khám phá” trong nhà thì điều hầu hết mọi người nghĩ đến ngay lập tức - TÍNH AN TOÀN! Hãy làm bất cứ điều gì bạn thấy cần thiết để đảm bảo tính an toàn cho ngôi nhà, bao gồm cả những việc cơ bản như che kín lỗ ổ cắm, cố định đồ nội thất vào sát tường, hay xa hơn là sử dụng khóa trẻ em cho các ngăn kéo/ hộc tủ chứa đồ cất dụng cụ (dao, kéo,...) và hóa chất nguy hiểm (xà bông, thuốc tẩy, thuốc trừ sâu,...). Sự an toàn của con là quan trọng nhất, vậy nên mỗi cha mẹ có cách tiếp cận Montessori khác nhau thì cách giải quyết vấn đề cũng sẽ khác nhau đôi chỗ. Tuy nhiên, nhớ rằng chúng ta muốn để trẻ tự do khám phá và trở thành một phần của gia đình, nên cố gắng tránh việc bó hẹp không gian vui chơi hoặc hạn chế trải nghiệm của con.

 

KHÔNG GIAN CỦA CON

Khi đã sẵn sàng mở rộng ngôi nhà cho con khám phá thì đã đến lúc thiết lập không gian theo một số nguyên tắc Montessori. Trong Montessori, chúng tôi thật sự tin rằng, ít chính là nhiều (less is more). Điều này thật sự quan trọng và ta sẽ dễ dàng kiểm soát mọi thứ trong không gian chuẩn bị cho con. Có thể người lớn chúng ta sẽ thích các đồ vật độc đáo hay phong cách màu sắc rực rỡ sặc sỡ, tuy nhiên không gian cho con nên êm dịu và nhẹ nhàng hơn. Chọn một kệ mở có độ rộng thích hợp để bày đồ chơi hoặc các rổ đan thấp Ở bước ban đầu, hãy dùng kệ ở tầng thấp để bé dễ dàng lấy được. Chúng tôi khuyên bạn nên hạn chế số đồ chơi/ giáo cụ đặt trên kệ trong khoảng 4 - 6 hoạt động. Để tăng hiệu quả của không gian, bạn nên đặt sách quay mặt ra bên ngoài. Điều này nghĩa là khi đặt sách trên bất cứ tủ kệ nào thì nên hướng bìa sách ra ngoài, hoặc bạn có thể chuẩn bị trong nhà loại Kệ sách Montessori. Lưu ý khi trưng bày đồ chơi/ giáo cụ hay sách, không có nghĩa là mình sẽ trưng bày TOÀN BỘ cùng một lúc, thay vào đó sẽ thực hiện thay đổi quay vòng một số lượng cụ thể tùy theo sở thích/ nhu cầu của con. Các Tủ Kệ Montessori đều được thiết kế để trẻ luyện tập và phát triển tính độc lập và cha mẹ dễ kiểm soát quá trình học tập của trẻ. Con có thể chọn đồ chơi/ giáo cụ mình muốn, hoàn thành một cách độc lập, dọn dẹp sau khi hoàn thành và đặt trở lại vị trí cũ trên kệ.

 

KHẢ NĂNG TIẾP CẬN

Một điều quan trọng là cha mẹ phải suy nghĩ từ góc độ của trẻ khi quan sát ngôi nhà của mình, tưởng tượng xem - làm thế nào mình có thể khiến ngôi nhà thân thiện để con dễ tiếp cận hơn? Với một số người, có thể họ sẽ mua đồ nội thất cỡ trẻ em, với một số người khác thì cần chuẩn bị ghế đôn có bậc an toàn, hoặc ghế có tay vịn cho bé đứng. Việc quyết định điều gì phù hợp với nhu cầu của bạn và ngôi nhà phụ thuộc phần lớn vào điều kiện không gian. Nếu nhà bạn có không gian và bạn muốn chọn đồ nội thất cho trẻ em, hãy nhớ mục đích chính của những món đồ này là để con tham gia cùng bạn làm công việc hàng ngày nếu con tỏ ra hứng thú, đồng thời tạo cho trẻ tính độc lập. Một bộ bàn ăn nhỏ trong bữa ăn chính/ hoặc đồ ăn nhẹ cho phép con tự sắp xếp đồ trên bàn, bé sẽ tự ăn, sau đó dọn dẹp sau khi ăn xong. Một khu vực tự-chăm-sóc-bản-thân trong phòng tắm là một địa điểm khác có thể giúp đứa trẻ học được tính trách nhiệm và tính độc lập. Bằng cách cho phép trẻ tự lấy bàn chải đánh răng, tã, hoặc khăn tắm khi cần, con sẽ học được cách chăm sóc bản thân và tự hào về việc có trách nhiệm. Tương tự, hãy nghĩ về những khu vực nào khác trong nhà có thể điều chỉnh lại để con dễ tiếp cận hơn. Tuy nhiên, với một số người sống tại thành phố lớn như HCM thì không gian sống bị hạn chế rất nhiều. Nhiều bạn có thể sẽ cảm thấy ngợp khi nghĩ tới phải nhét thêm nhiều đồ đạc vào căn nhà vốn đã chật chội. Nếu bạn ở trong tình cảnh này, thì luôn có giải pháp nhé! Có lẽ vật hữu ích nhất để đầu tư là một cái Tháp học tập (Learning tower) an toàn và có chất lượng tốt. Với sản phẩm này, bé sẽ dễ dàng tiếp cận kệ bếp để giúp cha mẹ chuẩn bị thực phẩm, hoặc sử dụng bồn rửa mặt trong phòng tắm để tự đánh răng và rửa tay. Một cái đôn nhỏ hoặc một cây treo quần áo thấp ở lối vào căn nhà chỉ chiếm một tí không gian thôi nhưng sẽ mang lại cho trẻ cảm giác mình là một phần của gia đình, đồng thời cũng là công cụ giúp bạn nhỏ tăng tính độc lập. Nhìn một vòng khắp nhà xem liệu mình có thể làm gì nữa để con dễ tiếp cận mọi thứ hơn trong những công việc/ hành động hàng ngày, hoặc con có thể tự hoàn thành mọi việc một cái độc lập.

 

TRẬT TỰ

Mỗi một nơi được dùng để đặt đồ vật riêng biệt, cũng như mỗi vật đều có vị trí riêng trong căn phòng. Sắp xếp nhà cửa, và giới thiệu với con để bé biết đồ nào để ở vị trí nào - con sẽ tự tin và độc lập hơn khi giúp đỡ cha mẹ cũng như dọn dẹp. Miễn là mọi vật đều “có vị trí” trong nhà, trẻ em sẽ học điều này và biết cần trả đồ vật về lại vị trí nào. Ví dụ, nếu bạn luôn xếp ngay ngắn những đôi giày bên cạnh cửa ra vào, con sẽ làm theo và nhanh chóng học được cách tôn trọng những đôi giày, luôn đặt chúng trở lại chỗ cũ. Nếu sách của bé luôn luôn được đặt ngay ngắn trên kệ sách thì con sẽ học được cách tôn trọng sách và cẩn thận hơn khi xếp lại. Với những đứa trẻ đang chập chững tập đi, chúng đặt biệt coi trọng sự trật tự và nhạy bén phát triển ý thức về trật tự một cách nhanh chóng. Hãy giúp bé tạo ra thói quen hàng ngày, cũng như quy tắc đặt đồ vật đúng chỗ, và nhất quán trong việc dạy con dọn dẹp sau khi sử dụng - điều này rất có lợi về lâu dài.

 

Khi bạn thực hiện tất cả những điều này và nhìn xung quanh nhà của mình, hãy nhớ rằng với phương pháp Montessori, đứa trẻ là một phần của gia đình, Bạn không cần thay đổi ngôi nhà của bạn thành ngôi nhà của con bạn, thay vào đó bạn nên biến ngôi nhà của mình thành tổ ấm của cả gia đình, gồm cả con trẻ. Hãy làm ngôi nhà trở nên dễ tiếp cận với bé và con sẽ học được cách tôn trọng ngôi nhà vì nơi đó cũng thuộc về tất cả các thành viên khác trong gia đình.

 

Được viết bởi

Góc Montessori

 

>> Sản phẩm được nhắc đến trong bài:  Kệ sách Montessori, Tủ kệ MontessoriTháp học tập (Learning tower)

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận