PHÁT TRIỂN CẢM XÚC: Làm thế nào để biến ‘hai tuổi khủng khiếp’ thành ‘hai tuổi tuyệt vời’
- Người viết: Góc Montessori lúc
- Blog - Lời khuyên, Mẹo vặt & Kinh nghiệm
- - 0 Bình luận
‘Terrible twos’ (hai tuổi khủng khiếp), ‘Threenager’ (Thanh thiếu niên 3 tuổi - Bé lên ba nhưng tâm lý hành xử như đang tuổi teen) - hẳn chúng ta đã nghe đâu đó những thuật ngữ này, chúng gắn với trẻ em giai đoạn này vì dường như các con khóc chẳng vì lý do gì cả, và hay thay đổi tâm trạng bất ngờ. Bạn có thể sẽ tự hỏi thực sự thì điều gì đang diễn ra ở đây? Trẻ em tầm hai tuổi là bắt đầu có những thay đổi lớn - về khả năng vận động, những thay đổi về cảm xúc và xã hội, cũng như những thay đổi về trí tuệ (Đọc thêm 5 Lĩnh vực chính trong sự phát triển của trẻ). Trẻ em thường hiểu nhiều hơn những gì con có thể diễn đạt - hãy tưởng tượng tới cảm giác bực bội khi muốn nói rất nhiều nhưng không biết phải làm sao cả? Chưa kể trẻ ở độ tuổi này hầu hết vẫn dựa dẫm vào cha mẹ nhưng lại khao khát được độc lập. Những sự thay đổi và thất vọng lớn này chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ‘suy sụp tinh thần’ (meltdowns), hay ‘cáu kỉnh’(tantrum), nói một cách đơn giản là, con đang cố gắng để giao tiếp. Tuy nhiên, độ tuổi này có thể trở thành khoảng thời gian đẹp nhất để chứng kiến con bạn trở thành một cá thể độc lập, độ tuổi này có thể trở thành ‘hai tuổi tuyệt vời’ với sự thấu hiểu và hướng dẫn từ người lớn xung quanh con.
Vậy nên, hôm nay tôi muốn chia sẻ một câu chuyện với bạn về sự phát triển cảm xúc của Astrid, bởi cách tôi xử lý những cảm xúc lớn này có thể được sử dụng trong nhiều tình huống - không chỉ là việc tập cho bé ngồi bô như trong câu chuyện.
Astrid bắt đầu tập ngồi bô khi bé được mười sáu tháng tuổi. Khi được mười hai tháng, chúng tôi chuẩn bị cho con một cái bô nhỏ trong phòng tắm, và trong bốn tháng tiếp theo, bé dần quen thuộc và xây dựng những trải nghiệm tích cực với món đồ mới của mình. Lên mười sáu tháng, chúng tôi nói tạm biệt với tã và công cuộc huấn luyện ngồi bô bắt đầu. Phải thừa nhận rằng, tôi đã đặt kỳ vọng rất cao vì bé rất thích đi vệ sinh và mang cái tã mới đến chạy đến và bảo tôi thay cho con. Thật sự tôi đã nghĩ là, chỉ cần vài ngày huấn luyện mà thôi và chúng tôi sẽ làm được. Chà, đã tám tháng kể từ ngày chúng tôi bắt đầu và mặc dù đúng là bé đã được huấn luyện ngồi bô nhưng cuộc hành trình này khác xa với những gì tôi mong đợi.
Với một số trẻ, việc từ bỏ tã là một thay đổi lớn về mặt cảm xúc. Tã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con kể từ ngày con được sinh ra. Chưa kể rằng một đứa trẻ có ít khả năng kiểm soát cuộc sống và cơ thể của mình, có thể con sẽ muốn quyết định lựa chọn thời điểm và địa điểm để tiểu tiện và đại tiện.
Và thế là xuất hiện dấu hiệu của việc suy sụp tinh thần. Trong giai đoạn đầu tập cho bé ngồi bô, tôi sẽ dẫn Astrid vào nhà vệ sinh mỗi giờ để bé ngồi trên cái bô nhỏ xíu của mình. Con thường hào hứng với việc này khi có một chút động viên kèm với một hay hai cuốn sách trong tay. Dĩ nhiên chúng tôi cũng đã phải trải qua những khoảnh khắc suy sụp tinh thần (đùa ai vậy, chúng tôi VẪN có những khoảnh khắc này hoài!). Tôi nói một cách bình tĩnh, “tới lúc ngồi bô và đi tè rồi nè”, đột nhiên đứa bé vui vẻ của tôi rên rỉ to thành tiếng và nằm dài dưới sàn nhà (nếu bạn chưa bao giờ chứng kiến suy sụp tinh thần, bạn có thể tự hỏi cụm từ đó đến từ đâu - nhưng một khi bạn thấy con bạn nằm dài dưới sàn như vũng nước, giây phút đó là hiểu rồi đó). Bạn có thể bị sốc khi chứng kiến những cảm xúc lớn đó xuất hiện nhanh như thế nào và dường như chẳng vì lý do gì cả - tôi chẳng thể nói nên lời trong lần đầu tiên. Là người lớn và cũng là cha mẹ, có thể chúng ta thấy mình cần phải sử dụng quyền hạn của cha mẹ để đảm bảo con lắng nghe và làm theo yêu cầu. Tuy nhiên, cách tốt nhất là thực hiện mà không có đứa trẻ nào la hét.
Vậy nên, giới thiệu với mọi người mẹo của chúng tôi, bí quyết thành công.
Nhận biết cảm xúc và đưa ra lựa chọn.
Thông thường tôi bắt đầu bằng cách lặp lại chính xác điều con đang nói với mình (nếu bé nói thành từ). Điều này cho thấy tôi đang lắng nghe con. Nếu con bạn chỉ la hét hoặc phát ra tiếng không rõ câu từ, bạn có thể nói những câu đại loại như “Mẹ nghe thấy con đang khóc”. Sau đó, nhận biết cảm xúc hoặc cảm giác của con bạn. Tôi nói những câu như “Ồ, con trông có vẻ bực bội, con đang la hét vì con không muốn đi vệ sinh bây giờ đúng không?”. Sau đó đưa ra lựa chọn cho bé “Chà, đến lúc thử rồi. Con có thể đi bộ vào nhà vệ sinh, hoặc mẹ sẽ bế con lên như máy bay nhé.”, hoặc là “Con có thể đi đến nhà vệ sinh một mình, hay là con nắm tay mẹ rồi mình cùng nhau đi”.
Tại thời điểm này bạn đã kết nối với con bằng cách cho chúng thấy bạn đang lắng nghe. Một điều cũng rất quan trọng là, bạn đã đưa lại cho con một quyền năng mà trẻ có thể muốn - trẻ có thể đưa ra lựa chọn về cách con sẽ di chuyển về nhà vệ sinh như thế nào. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy tiếng khóc là la hét kết thúc nhanh như thế nào khi bé bật dậy khỏi sàn ngay lập tức và bình tĩnh nói “Con đi bộ”. Cứ như thể là cuộc hỗn chiến này chưa bao giờ xảy ra vậy.
Mặc dù câu chuyện này chỉ minh họa một tình huống về sự khủng hoảng với con bạn, nhưng mình có thể áp dụng cách xử lý này trong hầu hết các tình huống mà con bạn đang trải qua những cảm xúc lớn. Hãy nhớ rằng con đang cần được hỗ trợ trong suốt thời điểm này, hãy hạ cấp bậc cảm xúc của con và tạo sự kết nối với con bằng cách cho con thấy bạn đang lắng nghe. Sau đó, đưa cho con quyền kiểm soát con muốn bằng cách để cho con lựa chọn - dĩ nhiên bạn phải đưa ra hai lựa chọn phù hợp với mình. Vào một thời điểm khác, khi đứa trẻ đã bình tĩnh lại, bạn có thể nói về cách xử lý những cảm xúc lớn đó và cách con có thể giao tiếp mà không cần la hét.
Hãy tận hưởng độ tuổi lên 2 tuyệt vời này cùng nhau vì bé con phát triển sự tò mò và tính độc lập một cách thú vị và sống động như vậy.
Được viết bởi,
Góc Montessori
Viết bình luận
Bình luận