LUYỆN TẬP THỰC HÀNH CUỘC SỐNG TẠI NHÀ VỚI MÓN ĐỒ SẴN CÓ

LUYỆN TẬP THỰC HÀNH CUỘC SỐNG TẠI NHÀ VỚI MÓN ĐỒ SẴN CÓ

Khi áp dụng Montessori tại nhà, có lẽ điểm bắt đầu thích hợp nhất và dễ dàng nhất chính là Thực hành cuộc sống. Không nhất thiết phải có kệ giáo cụ thực hành cuộc sống trong nhà, mà thay vào đó, bạn có thể thiết lập và sắp đặt căn nhà của mình cho bé có tiếp cận được và rủ con tham gia vào những hoạt động thường ngày.

 

Thực hành cuộc sống (Practical life) là gì? Và Tại sao điều này lại quan trọng?

Thực hành cuộc sống bao gồm bất cứ việc gì liên quan đến chăm sóc môi trường xung quanh (dù cho đó là một ngôi nhà hay là một lớp học). Chăm sóc bản thân cũng như Lịch sự và nhã nhẵn cũng thuộc về Thực hành cuộc sống.

Chăm sóc bản thân (Care of Self) là một phần quan trọng của Thực hành cuộc sống. Những việc thường ngày và thói quen được dạy từ sớm này sẽ theo con suốt cuộc đời. Hơn cả phát triển vận động tinh, việc trẻ học cách chăm sóc bản thân một cách độc lập còn giúp con nâng cao khả năng tự nhận thức và lòng tự trọng. Ví dụ như bé học cách tự mình ăn, đánh răng, rửa tay và mặc quần áo. Trẻ em sẽ học được cách lắng nghe nhu cầu của cơ thể mình, phát triển, và làm theo sở thích của riêng mình.

Chăm sóc Môi trường (Care of the Environment) liên quan đến việc trẻ học cách tôn trọng và chăm sóc môi trường xung quanh mình. Song song đó, bạn có thể dạy con hiểu bản thân mình là một phần của cộng đồng lớn hơn như là gia đình, và bằng cách chăm sóc môi trường chung, con cũng đang học cách tôn trọng người khác. Chăm sóc môi trường bao gồm những hoạt động như tưới cây, dọn dẹp đồ chơi hoặc giáo cụ sau khi sử dụng, dọn bàn ăn hoặc rửa bát sau khi ăn. Thông qua những hoạt động này, trẻ em sẽ biết trân trọng và tôn trọng môi trường xung quanh của mình nhiều hơn.

Lịch sự và Nhã nhặn (Grace and Courtesy) là phần thứ ba và cũng là cuối cùng của Thực hành cuộc sống. Phần này liên quan đến các kỹ năng giao tiếp và hành vi quan trọng giúp cho sự phát triển xã hội và cảm xúc của trẻ. Ví dụ như một đứa trẻ học cách nói "cảm ơn", cách chào hỏi mọi người, chào đón người khác đến thăm nhà, cũng như cách ngắt lời một cách lịch sự khi bố mẹ đang nói chuyện với nhau. Những bài học này giúp trẻ xây dựng lòng tự trọng và tính độc lập của mình bằng cách giúp con định hướng bản thân trong môi trường của mình - trẻ bắt đầu hiểu con thuộc về và đang tham gia vào một thế giới lớn hơn.

 

Môi trường được chuẩn bị và Dụng cụ cỡ trẻ em

Như đã đề cập bên trên, một cách tuyệt vời để bắt đầu thực hành cuộc sống tại nhà là bắt đầu với những thói quen hằng ngày bạn và con đã làm cùng nhau. Bắt đầu cho con có nhiều cơ hội hơn để hoàn thành những việc này một cách độc lập. Điều này có thể có nghĩa là sẽ cần một số điều chỉnh đối với không gian vật lý và thậm chí có thể là tinh thần của bạn.

Việc tạo ra một không gian được chuẩn bị (prepared environment) để bé có thể tiếp cận được là điều cần thiết để khuyến khích sự độc lập. Bạn có thể thực hiện điều này bằng cách đưa đồ vật về tầm cao của trẻ, hoặc cung cấp cho con ghế có bậc (step stool) để con có thể với tới những vật cần thiết. Trong phòng tắm, bạn có thể thiết lập một khu vực tự chăm sóc bản thân (a self-care station) của bé trên một cái kệ thấp, hoặc là bổ sung một cái ghế đôn/ ghế đẩu/ tháp học tập để bé có thể tiếp cận được bồn rửa mặt, hãy chắc chắn là bàn chải đánh răng ở trong tầm với của con, và gương soi ngay tầm mắt. Trong thời gian tắm rửa, bạn có thể đặt khăn lau hoặc xà phòng/ dầu gội đầu trong tầm với của trẻ để con có thể bắt đầu tự chăm sóc bản thân. Khi chuẩn bị môi trường sống ở nhà, hãy nghĩ xem con cần tiếp cận những đồ vật gì để hoàn thành việc của mình, kiểm tra xem con có thể lấy được những thứ này mà không cần mình hỗ trợ hay không, nếu không hãy tiến hành những thay đổi cần thiết để tăng khả năng tiếp cận của con cũng như tăng sự độc lập của con.

Chuẩn bị các công cụ có kích thước nhỏ dành cho trẻ em là một phần quan trọng khác. Mục tiêu của những công cụ này là con có thể kiểm soát và điều khiển chúng với độ chính xác cao hơn, dẫn đến con thành công hoàn thành công việc, và có được cảm giác thành tựu nhiều hơn, điều này sẽ tiếp tục khuyến khích tính độc lập và hứng thú của con trong những hoạt động thực hành cuộc sống. Trong nhà bếp, bạn có thể có một cái đánh trứng cỡ nhỏ, hoặc những dụng cụ thân thiện với trẻ em khác như một cái dao bào rau củ hoặc dao thái được thiết kế để thao tác dễ dàng và an toàn. Một cái chổi và hốt rác, hoặc cây lau nhà cỡ nhỏ cho trẻ em được để ở vị trí con dễ tiếp cận, khu vực trung tâm có thể khuyến khích con tự dọn dẹp sau khi bé làm bừa bộn. 

 

Các hoạt động thực hành cuộc sống tại nhà

Để các hoạt động thực hành cuộc sống có ý nghĩa nhất, hãy bắt đầu cho con tham gia vào các hoạt động thường ngày. Khi con có được sự tự tin và phát triển khả năng của mình, trẻ sẽ bắt đầu độc lập hơn trong những công việc sau này.

 

>> Phòng bếp

Một cách tuyệt vời để bắt đầu thực hành cuộc sống trong bếp là rủ bé con tham gia cùng bạn khi làm những việc đơn giảm. Ở nhà chúng tôi, bữa sáng và bữa ăn dặm/ món ăn nhẹ thường sẽ dễ chuẩn bị và ít bị khống chế về thời gian, nên tôi đã bắt đầu rủ con gái của tôi giúp mẹ trong khoảng thời gian này trong ngày. Lúc 10 tháng tuổi, bé gái lớn của tôi đã bắt đầu khuấy trứng, và lúc được 2 tuổi rưỡi, bé đã lật được bánh pancake trên bếp. Bắt đầu với những việc nhỏ và đơn giản và chứng kiến cả bạn và con đạt được các kỹ năng và sự tự tin trong bếp.

Trong khi rất nhiều hoạt động có thể thực hiện được với một cái khay, bạn cũng có thể thực hiện ngay trên kệ bếp hoặc một cái bàn. Một điều quan trọng cần nhớ là khi thiết lập thực hành cuộc sống, cần đảm bảo con tiếp cận được những nguyên liệu cần thiết để thực hiện công việc một cách độc lập. Đồng thời, hãy kỳ vọng là sẽ có một mớ hỗn độn trong bếp khi bắt đầu. Chuẩn bị sẵn một miếng vải để lau sạch vết đổ và mớ lộn xộn, và hãy nhớ rằng con bạn đang học hỏi rất nhiều để kiểm soát cơ thể, vì vậy khi con làm đổ, hãy hỗ trợ con và đừng làm mọi thứ nghiêm trọng hơn.

Các công việc thực hành cuộc sống để bắt đầu trong bếp gồm có:

  • Múc bằng cốc đong hoặc muỗng đong - đong nguyên liệu cho những công thức đơn giản như yến mạch hoặc bánh pancake

  • Rót chất lỏng - đảm bảo sử dụng các cốc cỡ nhỏ cho trẻ em có tay cầm và miệng để con rót; nếu bé mới tập rót, bạn có thể bắt đầu với một lượng rất nhỏ (ví dụ nếu công thức yêu cầu 1 cup sữa, mỗi lần hãy đổ 1/4 cup thôi - điều này cũng giúp bé có nhiều cơ hội luyện tập hơn)

  • Trộn và khuấy - khi rủ con tham gia trộn và khuấy, cố gắng đưa cho con những công cụ cỡ nhỏ và đảm bảo con dễ dàng tiếp cận và nhìn được bên trong tô trộn. Lưu ý là sẽ dễ dàng hơn khi chỉ trộn các nguyên liệu khô, hoặc chỉ nguyên liệu ướt, một khi kết hợp lại tạo ra hỗn hợp đặc hơn thì một số bé nhỏ sẽ chưa có đủ sức mạnh cơ bắp để thực hiện

  • Vắt nước chanh/ Nước cam - đặt vào khay: nửa trái chanh/ cam vào trong một cái hộp chứa, một cái vắt cam cầm tay, một ly thủy tinh nhỏ, một cái muỗng, một cái khăn hoặc miếng bọt biển để dễ dàng dọn dẹp, có thể chuẩn bị thêm đường tùy chọn (nếu muốn làm nước chanh!); tất nhiên, hoạt động này sẽ cần được chuẩn bị trong ngày và có thể thực hiện trong nhà bếp hoặc ngay tại bàn ăn dặm của bé. *Đối với trẻ lớn hơn, bạn có thể chuẩn bị thêm dao và thớt để  bổ sung bước cắt chanh/ cam vào hoạt động.

  • Lột vỏ quýt - sẽ rất hữu ích khi chuẩn bị một cái chén hoặc hộp rỗng nhỏ để con bỏ vỏ sau khi lột vào; bạn có thể chuẩn bị một miếng bọt biển hoặc khăn lau nhỏ để dọn dẹp hoặc hướng dẫn con lấy một cái khăn ở vị trí con dễ tiếp cận trong nhà bếp để lau.

  • Lột trứng luộc chín chuẩn bị trứng đã luộc chín (trứng cút là một lựa chọn hoàn hảo cho bàn tay tí hon của con!), một cái chén để đựng trứng đã lột, và một cái đĩa, giấy hoặc khăn lót bên dưới khi bé lột sẽ giúp việc dọn dẹp dễ dàng hơn nhiều

  •  

  • Tách vỏ đậu phộng - chuẩn bị cho con một chén đậu phộng luộc rồi, một chén khác để đựng hạt đậu phộng, và một cái đĩa, giấy hoặc khăn lót bên dưới khi bé lột sẽ giúp việc dọn dẹp dễ dàng hơn nhiều
  • Giã đậu phộng - đặt vào khay: một hũ đậu phộng, một cái muỗng để múc hạt, một bộ chày cối cỡ trẻ em, một cái hũ hoặc tô khác để đựng đậu phộng sau khi giã, một cái cọ sơn để quét cái cối sau khi xong.
  • Rửa trái cây/ rau - trái cây/ rau, một tô nước, một thìa giấm đã được đong trước trong cốc, một miếng bọt biển/ khăn; có thể thực hiện hoạt động này ngay tại bồn rửa với sự trợ giúp của tháp học tập Montessori (Learning tower) hoặc tại bàn giác quan cỡ trẻ em
  • Rửa chén đĩa - sau khi ăn xong bé có thể sẽ hứng thú với quá trình dọn dẹp, hãy sử dụng một cái Tháp học tập hoặc Đôn có bậc để con đứng tới bồn rửa chén và giúp rửa chén/ đĩa và dụng cụ ăn uống con vừa ăn xong.

>> Phòng tắm

  • Rửa tay, đánh răng, và chải tóc - có thể tạo ra một không gian dễ tiếp cận cho bé trong nhà tắm với gương treo thấp, lược chải tóc, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, khăn, và thêm ghế đôn có bậc/ tháp học tập để bé leo tới bồn để rửa tay.
  • Khu vực tự chăm sóc bản thân (Self-care station) - bạn có thể chọn thiết lập cho con một khu vực tự chăm sóc bản thân trong nhà tắm để khuyến khích con độc lập và tự giác hơn. Hoạt động này có thể gồm cả những thứ cần thiết khi bé đi vệ sinh như khăn giấy, giấy vệ sinh, tã và khăn lau. Ngoài ra, còn có thể có các vật dụng tự chăm sóc khác như bàn chải đánh răng và lược/ bàn chải tóc.

 

>> Xung quanh nhà

  • Lau cửa sổ/ Lau gương - đặt một bình xịt nhỏ, một cái khăn và một cây lau kính nếu muốn vào một cái khay hoặc rổ thành thấp
  • Lau cây xanh - đặt một cái khăn và một tô nước vào khay, bạn có thể đặt chậu cây trên kệ Montessori kế bên khay luôn, hoặc cho con mang khay lại chỗ chậu cây quanh nhà (đặt ở vị trí con dễ tiếp cận). Đọc thêm...
  • Phơi quần áo - thiết kế một cái dây phơi quần áo thấp cho bé, đưa con một cái rổ nhỏ chứa kẹp quần áo hoặc móc treo để bé có thể tự treo đồ của mình. 
  • Gấp quần áo - bắt đầu với những vật có hình dạng đơn giản như khăn ăn vải, rủ con cùng gấp quần áo của bé sau khi khô nhé.

 

Hãy nhớ, khi chuẩn bị một hoạt động nào cho con thì cần theo sở thích của bé. Thay vì chuẩn bị một số hoạt động cho con và kỳ vọng con sẽ thực hiện, hãy quan sát sở thích của con trước và chuẩn bị hoạt động/ giáo cụ dựa trên sở thích hiện tại và sự phát triển kỹ năng của con. Nếu không, bạn có thể rủ con cùng tham gia với bạn và quan sát xem con mức độ quan tâm và hứng thú của con là như thế nào. Như mọi khi, chúng tôi tại Góc Montessori hy vọng bạn sẽ thấy bài viết này hữu ích.

 

Được viết bởi,

Góc Montessori

>> Sản phẩm được nhắc đến trong bài: Tháp học tập

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận