5 ĐIỀU CƠ BẢN KHI ÁP DỤNG MONTESSORI TẠI NHÀ
- Người viết: Góc Montessori lúc
- Blog - Lời khuyên, Mẹo vặt & Kinh nghiệm
- - 0 Bình luận
Khái niệm Montessori đang dần phổ biến và thành trào lưu trên truyền thông xã hội những ngày gần đây. Nếu tra google cụm từ “Montessori tại nhà”, bạn có thể sẽ bắt gặp những bức hình đẹp trên Instagram với các tủ kệ được sắp xếp hoàn hảo, phòng vui chơi cho bé chất đầy đồ chơi bằng gỗ nhìn đắt tiền. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là Montessori không phải là câu chuyện về đồ vật, mà là về đứa trẻ. Không chỉ là những tài liệu giảng dạy chuyên biệt được sử dụng trong một lớp học Montessori, hơn thế nữa, Montessori là một triết lý, một phong cách sống. Điểm khác biệt chính giữa giáo dục Montessori ở trường và ở nhà là chúng ta có thể thể hiện sự tôn trọng đối với trẻ thông qua việc tạo nên một không gian riêng trong nhà để con phát triển tùy theo sở thích và nhu cầu cá nhân.
Dưới đây, Góc Montessori sẽ giới thiệu những điều trọng tâm nhất về Phương pháp Montessori tại nhà dành cho trẻ từ 0 đến 5 tuổi.
1. ĐI THEO TRẺ (Follow the child)
Cho phép trẻ tự do khám phá những gì chúng thấy thú vị. Đừng tạo áp lực bắt con làm những hoạt động mà bé chưa sẵn sàng, điều này sẽ tạo ra một trải nghiệm tiêu cực cho con. Một ví dụ điển hình là khi đi chơi công viên, hãy để đứa trẻ tự quyết định nơi chúng muốn đi và để bé tự do di chuyển, còn cha mẹ/ người thân sẽ đi theo ngay đằng sau bé. Một ví dụ khác khó nhận ra hơn là, nếu trẻ lặp lại nhiều lần hành động lấy chăn/ áo/ tấm vải che mặt mình lại thì đây là hiện tượng enveloping schema (trẻ khám phá xem chuyện gì xảy ra nếu che phủ một vật và ngược lại: nó có biến mất không hay vẫn ở đó). Tạo cơ hội để trẻ khám phá nhiều hơn bằng cách đưa cho con các ví, hộp, hoặc lọ để đựng đồ, làm con rối bằng tất, giới thiệu búp bê Nga Matryoshka. Nói cách khác, quan sát xem trẻ đang hứng thú với điều gì và cha mẹ sẽ tạo cơ hội cho con khám phá nhiều hơn.
2. HẠN CHẾ TỐI ĐA SỰ CAN THIỆP (Minimize intervention)
Theo quan điểm của Maria Montessori: “Khen ngợi, giúp đỡ, thậm chí là một ánh nhìn cũng có thể làm gián đoạn trẻ, hoặc là làm hỏng hoạt động…” Vậy nên, việc cho phép trẻ tập trong vào việc con đang làm và không làm phiền con rất thiết yếu. Hãy nhớ, bên cạnh việc để con hoạt động độc lập, đôi lúc chúng ta cần can thiệp, đó là khi có dấu hiệu của sự Nguy hiểm, Phá phách hoặc Gây rối. Tuy nhiên, mỗi khi phụ huynh can thiệp thì hãy giải thích cho trẻ lý do và đưa ra hướng dẫn một cách nhẹ nhàng.
3. KHUYẾN KHÍCH TÍNH ĐỘC LẬP (Encourage independence)
Nuôi dưỡng và khuyến khích hành vi độc lập của trẻ. Hãy nhớ rằng, con bạn đang trải nghiệm rất nhiều lần đầu tiên trong cuộc đời với những đồ vật/ sự việc mà chúng ta cho là bình thường hàng ngày. Mỗi ngày đều được lấp đầy các khoảnh khắc vui vẻ thuần khiết cùng sự thu hút, tò mò. Vậy nên bất cứ việc gì trẻ làm cũng mất nhiều thời gian hơn. Trong giai đoạn này, hãy cho con thời gian thoải mái để khám phá theo tốc độ riêng của trẻ, để chúng có thể tự mình khám phá cách vận hành của thế giới. Là người lớn, chúng ta thường làm việc theo một lịch trình cụ thể suốt cả ngày và điều đó có thể tạo ra những tình huống căng thẳng khi con cái chúng ta mất quá nhiều thời gian để hoàn thành một việc nào đó - đặc biệt là khi chúng ta đang cố gắng nhanh chóng ra khỏi nhà! Có thể bạn sẽ muốn nhanh chóng mang giày cho con, nhưng hãy nhớ trẻ có thể học và thực hiện được việc mang giày, qua đó giúp tăng tính tự lập cũng như làm con cảm nhận được thành tựu và giá trị bản thân.
4. CHUẨN BỊ MÔI TRƯỜNG CHO TRẺ (Prepared environment)
Cha mẹ nên liên tục điều chỉnh không gian tại gia để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ. Thay vì chỉ giới hạn một khu vui chơi nhỏ trong phòng khách, bạn có thể thực hiện một số điều chỉnh cần thiết cho cả căn nhà (nếu có thể) để bé có cơ hội khám phá mọi thứ theo cách của con. Phần lớn hoạt động Montessori tại nhà bao gồm các kỹ năng sống cần thiết như giúp dọn dẹp, phơi quần áo, nấu ăn – những công việc thường ngày mà trẻ thấy người lớn chúng ta vẫn làm. Nếu không được tiếp cận những khu vực này trong nhà, trẻ khó có cơ hội phát triển trí tò mò cũng như tính độc lập (trong khi 2 đặc tính này vốn có thể được nuôi dưỡng và củng cố thêm). Không nhất thiết lúc nào cũng phải chuẩn bị giỏ đồ chơi trực quan cho con đâu, ví dụ cha mẹ có thể cho bé khám phá ngăn kéo gia vị trong bếp. Hãy nhớ, luôn ưu tiên mang cho trẻ những trải nghiệm thực tế và để chúng tự mình khám phá. Tuy nhiên, điều quan trọng trên hết là phải ưu tiên tính an toàn - loại bỏ những vật dụng có thể gây ra nguy hiểm, dành thời gian để giải thích và dạy con những gì chúng được phép và không được phép đụng vào.
5. THIẾT LẬP GIỚI HẠN (Set limit)
Dạy con bạn về các giới hạn và cách tôn trọng chúng. Bắt đầu với các quy tắc ở nhà, sinh hoạt trong gia đình và phải luôn nhất quán. Sự nhất quán của các quy tắc sẽ giúp đứa trẻ học và nhớ được từng tình huống đã diễn ra. Mặc dù việc để trẻ em học hỏi và phát triển ý thức về giới hạn của chính mình là tốt, nhưng đôi khi chúng ta cần giúp con thiết lập những giới hạn đó, đặc biệt là liên quan đến tính an toàn. Ví dụ, việc bạn cho phép con vào phòng tắm sẽ giúp trẻ hứng thú với việc tự chăm sóc bản thân, tuy nhiên cha mẹ cần dạy con không đụng vào những sản phẩm tẩy rửa nguy hiểm (tốt nhất là cất riêng tránh tầm tay trẻ em). Nếu như cha mẹ đưa ra các hướng dẫn không đồng nhất (lúc thế này, lúc thế khác) sẽ làm trẻ bị rối, hoang mang, đồng thời con sẽ nghĩ rằng luôn có ngoại lệ cho các quy tắc đặt ra. Cơn giận dữ của con thường là kết quả của một điều gì đó không đoán trước được (và không mong muốn) xảy ra từ góc nhìn của trẻ, đôi khi là kết quả của việc trẻ bị hoang mang bởi sự không nhất quán đến từ cha mẹ. Chúng ta cần đặt ra các giới hạn để trẻ được phát triển một cách an toàn.
Thông qua những chia sẻ ở trên, chúng tôi hy vọng đã cung cấp cho bạn một cái nhìn chi tiết hơn về Montessori tại nhà. Năm mục được nêu bên trên là một hướng dẫn chung, cũng như là những gì mà chúng tôi – Góc Montessori – tin tưởng, coi trọng, được truyền cảm hứng để tạo ra các sản phẩm của mình.
Ngoài ra, bạn có thể tìm đọc thêm "Montessori tại nhà: Các bước đầu tiên để sắp xếp không gian gia đình" cùng nhiều bài viết khác tại mục Blog của chúng tôi. Hy vọng các bài viết này sẽ hữu ích với các bạn.
Được viết bởi
Góc Montessori
Viết bình luận
Bình luận